Đã được cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 1472/ GP - TTĐT Ghi rõ nguồn "VinaCorp" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ chức
Trước đó, ngày 13/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam.
Đồng thời, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông và chính phủ của mình sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 15/5. Đây là thủ tục chính thức trong quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Singapore.
Trong thư, ông Lý Hiển Long đã đề cử ông Lawrence Wong - 51 tuổi, Phó Thủ tướng Singapore - thay thế mình làm Thủ tướng từ ngày 15/5, bắt đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của "đảo quốc Sư tử".
Tổng thống Tharman cũng gửi thư đáp lại ông Lý Hiển Long, thông báo sẽ bổ nhiệm ông Lawrence làm tân thủ tướng vào ngày 15/5, đồng thời cảm ơn ông Lý Hiển Long đã phụng sự đất nước suốt 4 thập kỉ, trong đó có 20 năm trên cương vị thủ tướng.
Tổng thống Singapore cho biết thêm, ông Wong có ý định bổ nhiệm ông Lý Hiển Long làm bộ trưởng cấp cao. "Tôi chắc rằng kinh nghiệm cùng lời khuyên của ông sẽ giúp đỡ đội ngũ lãnh đạo mới khi họ bước sang giai đoạn lịch sử tiếp theo và tạo nên một Singapore thậm chí còn tốt đẹp hơn", ông Tharman viết.
Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong (65 tuổi) sẽ giữ thêm trọng trách Phó Thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng.
Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Thông báo của ông Lawrence Wong nêu rõ sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí Bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính.
Phát biểu tại họp báo sau khi công bố cải tổ Nội các, Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính liên tục và ổn định khi chính phủ hiện nay sắp kết thúc nhiệm kỳ. Do các bộ trưởng đều đang thực hiện trọng trách được giao, nên ông muốn giữ nguyên vị trí lãnh đạo các bộ cho đến đến hết nhiệm kỳ.
Đánh giá về ông Gan Kim Yong, ông Lawrence Wong cho biết mặc dù không hoàn toàn thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4, nhưng kinh nghiệm của ông Gan Kim Yong về kinh tế quốc tế sẽ giúp Singapore điều hướng trong môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh hơn. Cả hai Phó Thủ tướng Gan Kim Yong và ông Heng Swee Keat đều là những bộ trưởng giàu kinh nghiệm và sẽ "giúp đỡ" trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Dự kiến ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào lúc 20h ngày 15/5 (giờ địa phương) tại cung Istana, trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore, chính thức tiếp quản vị trí lãnh đạo từ Thủ tướng Lý Hiển Long.
Tháng trước, ông Lawrence Wong cho biết những thay đổi lớn hơn trong nội các sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến vào trước tháng 11/2025).
Chân dung tân Thủ tướng Singapore
Hai năm trước, ông Lawrence Wong đã được lựa chọn làm lãnh đạo nhóm thế hệ thứ tư của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore, mở đường đưa ông trở thành Thủ tướng thế hệ tiếp theo của đất nước.
Sau khi hoàn thành du học tại Mỹ bằng học bổng của Chính phủ Singapore, ông Wong trở về nước làm việc cho chính phủ từ năm 1997.
Phó Thủ tướng Wong từng làm Giám đốc Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long. Năm 2011, ông được bầu vào Quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng.
Ông tái đắc cử nghị sỹ quốc hội trong 2 kỳ tổng tuyển cử năm 2015 và 2020 và từng đảm nhận những vị trí bộ trưởng khác nhau. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, ông được chọn làm đồng Chủ nhiệm Ủy ban ứng phó COVID-19 và ngày càng nhận được sự tín nhiệm rộng rãi của người dân Singapore.
Ông Lý Hiển Long đánh giá ông Lawrence Wong đã sẵn sàng để lãnh đạo Singapore. Giới chuyên gia đánh giá đây là giai đoạn tạo nên cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông Wong.
"Cột mốc quan trọng" của Singapore
Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, 51 tuổi, tuyên thệ trung thành và thực hiện đúng chức vụ trong buổi lễ nhậm chức diễn ra tại dinh Istana.
Ông tuyên thệ trên kinh thánh, là thủ tướng đầu tiên của Singapore làm điều này. Sau khi tuyên thệ, ông Wong có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
Mở đầu bài phát biểu, ông tuyên bố đêm nay sẽ đánh dấu một "cột mốc quan trọng" của đất nước và là thời khắc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ.
Wong đề cập đến việc ông là thủ tướng đầu tiên của Singapore sinh ra sau khi đất nước độc lập, khẳng định dù đội ngũ mới được định hình bởi những người sáng lập Singapore, "phong cách lãnh đạo của chúng tôi sẽ khác với các thế hệ trước".
Tân Thủ tướng Singapore khẳng định ông và đội ngũ của mình sẽ "lãnh đạo theo cách riêng". "Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ táo bạo và vươn xa", ông nói, lặp lại lời nhận xét từ Tổng thống Tharman Shanmugaratnam rằng những năm tháng huy hoàng nhất của Singapore vẫn còn ở phía trước.
Ông Wong nói rằng ông và đất nước nợ cựu thủ tướng Lý Hiển Long một lòng biết ơn to lớn, vì "suốt đời phục vụ công chúng của ông, kéo dài hơn nửa thế kỷ".
Lãnh đạo Singapore cho biết một trong những ưu tiên chính của ông sẽ là tìm kiếm những gương mặt mới, đặc biệt là những người Singapore ở độ tuổi từ 30 đến 40, tham gia cùng ông trong chính phủ.
Ông kêu gọi công chúng "giúp kiến tạo cho người dân Singapore một chính phủ mà họ xứng đáng có được".
Ông Wong lưu ý nền kinh tế và xã hội nhỏ, cởi mở của Singapore dễ bị tổn thương trước "những ảnh hưởng từ bên ngoài", nhưng đất nước cần chuẩn bị tinh thần để thích ứng với một thế giới "hỗn loạn hơn, rủi ro hơn và bạo lực hơn".
Ông khẳng định vị thế quốc tế của Singapore giúp nước này có cơ hội tốt để vượt qua những thách thức nêu trên, đồng thời nhắc lại rằng Singapore luôn "tìm cách trở thành bạn với tất cả mọi người trong khi vẫn bảo vệ các quyền và lợi ích của mình".
Tân Thủ tướng hứa phục vụ đất nước "bằng cả trái tim", khẳng định sứ mệnh của ông rất rõ ràng là "vượt qua mọi khó khăn để duy trì điều kỳ diệu mang tên Singapore".
Ông Wong kết thúc bằng một lời kêu gọi hành động khác, yêu cầu công chúng tham gia cùng ông và chính phủ để đưa Singapore tiến lên.
"Mọi người đều sẽ có phần đóng góp vào sự tiến bộ của đất nước chúng ta". ông tuyên bố. "Mọi người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của chúng ta".
"Hãy cùng đưa Singapore tiến về phía trước", ông nói, khép lại bài phát biểu.
Trước buổi lễ, Tổng thống Tharman cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông Wong khi Singapore dấn thân vào những địa vực chưa được khám phá trên trường quốc tế, đồng thời lưu ý vai trò quan trọng của tân Thủ tướng trong việc định hình các chính sách quốc gia về kinh tế - xã hội.
Ông Wong (trái) bắt tay cựu thủ tướng Lý Hiển Long trong buổi lễ nhậm chức tối 15/5. Ảnh: AFP
Những thách thức đợi tân Thủ tướng Singapore
Khi ông Lawrence Wong trở thành thủ tướng thứ tư của đảo quốc sư tử, nước này đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn...
Theo hãng tin Bloomberg, ông Wong - 51 tuổi và có bằng đại học Harvard - sẽ tuyên thệ nhậm chức tại dinh thủ thướng Istana trong một buổi lễ diễn ra vào buổi tối ngày 15/5. Ngay sau buổi lễ này, ông sẽ phải bắt tay vào xử lý một loạt vấn đề gồm chi phí sinh hoạt tăng cao, rủi ro địa chính trị ngày càng lớn, và ảnh hưởng của một vụ bê bối làm suy giảm hình ảnh của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.
Trao đổi với Bloomberg, Giám đốc Nydia Ngiow của công ty tư vấn kinh doanh BowerGroupAsia ở Singapore, nhận định rằng ông Wong sẽ "đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ là phải ứng phó với một bối cảnh không ngừng biến động, cử tri đa dạng hơn, và kỳ vọng lớn hơn về minh bạch và uy tín". Ông Ngiow cho rằng các động lực liên tục thay đổi có thể "làm gián đoạn ngay cả những kế hoạch được chuyển bị kỹ lưỡng nhất".
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia mà Singapore đều có mức độ phụ thuộc cao - đang có chiều hướng gia tăng. Xung đột ở Trung Đông và ở Ukraine đã gây ra những tác động bất lợi đối với nền kinh tế tập trung vào thương mại của Singapore, đồng thời làm gia tăng cảm giác bất an trong xã hội có mức độ đa dạng cao về sắc tộc và tôn giáo của nước này.
Tất cả những vẫn đề này sẽ chi phối tâm lý của cử tri khi ông Wong dẫn dắt "thế hệ thứ tư" các nhà lãnh đạo chính trị của Singapore tới một cuộc tổng tuyển cử mà Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Hiển Long, 72 tuổi, đã cam kết là sẽ diễn ra trùng với cuộc chuyển giao quyền lực. Và theo quy định của luật pháp Singapore, cuộc bầu cử này phải được tiến hành trước cuối tháng 11/2025.
Có một niềm tin chắc chắn rằng PAP sẽ duy trì vị thế quyền lực vững chãi khi cuộc bầu cử diễn ra, nhưng ông Wong và ê-kip của ông vẫn cần giữ vững được sự ủng hộ của cử tri, vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây suy yếu niềm tin. PAP hiện giữ đa số ghế trong Quốc hội Singapore, nhưng tỷ lệ phiếu bầu phổ thông của đảng này đang trong chiều hướng suy giảm.
Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÊ THỊ KIM LOAN*(Khoa Văn hóa học)
Giao lưu văn hóa là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử nhân loại. Mỗi nền văn hóa và mỗi cộng đồng người có thể bị cưỡng bức hoặc chủ động tham gia vào quá trình này theo các cách thức/ phương thức khác nhau. Đây chính là những con đường trong hành trình biến đổi văn hóa của các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Những con đường này một mặt có thể phá vỡ tính bền vững và ổn định tương đối của văn hóa một dân tộc nhưng mặt khác lại góp phần làm nên sự đa dạng,tiến bộ văn hóa của chính dân tộc đó. Cho đến nay, nhân loại đã trải qua 4 con đường giao lưu văn hóa là: di dân, thương mại, chiến tranh và viễn thông điện tử.
Từ khóa: Con đường, tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến, văn hóa.
Cultural exchange is a well-known phenomenon in the human history. Each culture and each human community may be forced or active in its participation into the process of cultural exchange by different ways/ approaches. These are ways of cultural change of nationsin the world. On the one hand, these ways may damage a relative stability and sustainability of the nation’s culture. On the other hand, they also contribute to the creation of cultural multiform and development of this nation. So far, the human being has been going through 4 ways of cultural exchange such as: migration, trading, warfare and electronic communication.
Keywords: Way, contact, exchange, acculturation, culture.
Các thuật ngữ tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến được dùng rất phổ biến trong lĩnh vực văn hóa. Xét về mặt từ ngữ, đây là các thuật ngữ Hán – Việt nhằm mô tả các hiện tượng trong một quá trình tương tác giữa chúng với nhau.
Thuật ngữ tiếp xúc văn hóa (cultural contests) được sử dụng để chỉ sự va chạm vào nhau của các nền văn hóa khi được đặt cạnh nhau.
Thuật ngữ giao lưu văn hóa (cultural exchanges) được sử dụng để chỉ sự trao đổi, đan xen, chia sẻ giữa các nền văn hóa sau khi tiếp xúc với nhau.
Thuật ngữ tiếp biến văn hóa là một thuật ngữ kép, được sử dụng để chỉ sự tiếp thu rồi biến đổi những yếu tố văn hóa trong quá trình tiếp xúc, giao lưu của một nền văn hóa này với một nền văn hóa khác. “Acculturation” là thuật ngữ được phương Tây sử dụng để mô tả hiện tượng này và nó được hiểu là tiếp biến văn hóa.
Không phải đến cuối thế kỷ XX, chúng ta mới tiếp cận và hiểu rõ các thuật ngữ tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa. Cuối thế kỷ XIX, sự xuất hiện các lý thuyết Truyền bá luận trong nghiên cứu văn hóa đã đề cập và giải thích một số hiện tượng tương tự với hiện tượng tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Lý thuyết thiên di của Friedrich Ratzel (1844-1904), người sáng lập ra truyền bá luận ở Đức; lý thuyết vòng văn hóa của Leo Frobeunius (1873-1928), chuyên gia về văn hóa châu Phi; lý thuyết vòng văn hóa của Fritz Graebner (1877-1934), chuyên gia nghiên cứu các bộ tộc châu Úc và một số luận điểm của các nhà nghiên cứu khác như E.Sapir, W.Riverer, G.E.Smith, W.J.Perry, C.L Wissler và A.L. Kroeber đã được xây dựng trên cơ sở phân tích các biểu hiện văn hóa của một cộng đồng, một tộc người cụ thể. Nhìn chung, các lý thuyết.
Truyền bá luận cho rằng các nền văn hóa có tính ổn định tương đối nhưng không phải là bất biến, đôi khi có sự vay mượn các yếu tố từ nền văn hóa khác, trong đó những đặc điểm lan truyền văn hóa trong không gian đóng vai trò lớn. Sự lan truyền/truyền bá diễn ra qua quá trình thiên di của các yếu tố văn hóa hoặc các tổ hợp văn hóa từ trung tâm đến các vùng. Thiên di văn hóa là nội dung chủ yếu của quá trình lịch sử và văn hóa của loài người. Sự biến đổi văn hóa của mọi xã hội suy cho cùng là kết quả sự vay mượn văn hóa từ các xã hội khác… Sau khi phân tích hệ quả các lý thuyết Truyền bá luận, có thể nhận thấy: mọi sự biến đổi to lớn về văn hóa của một cộng đồng/tộc người đều xuất phát từ việc tiếp xúc và giao lưu của cộng đồng/tộc người đó với những cộng đồng/tộc người khác.
Mặc dù các thuật ngữ tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa chỉ mới xuất hiện và phổ biến trên thế giới từ cuối thế kỷ XX, nhưng các hiện tượng và biểu hiện của nó đã tồn tại liên tục từ thời kỳ cổ đại đến nay. Có 4 con đường hay chính là 4 phương thức làm biến đổi văn hóa của các cộng đồng/tộc người trong lịch sử nhân loại, cụ thể như sau:
Ngay từ thời kỳ tiền sử, sự tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng/tộc người đã diễn ra. Có một số yếu tố chi phối hoạt động này nhưng chủ yếu là do các cuộc di dân tự nhiên (các nhà khoa học Truyền bá luận gọi đó là “thiên di”) xảy ra trong thời nguyên thủy và cổ,trung đại. Các cộng đồng/tộc người khác nhau, sau những cuộc di cư, đã đến với nhau, sống cạnh nhau, xen kẽ nhau, dẫn đến sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Trải qua hàng nghìn năm, mỗi cộng đồng/tộc người một mặt bồi đắp nên bản sắc riêng của mình nhưng mặt khác góp phần cùng các cộng đồng/tộc người lân bang tạo lập ra một vùng văn hóa với những đặc trưng riêng. Phải kể đến đó là vùng văn hóa Nam Á, vùng Ả Rập, vùng Đông Nam Á, vùng Bắc Á ở phương Đông; vùng Bắc Âu, vùng Nam Âu, vùng Tây Âu, và vùng Đông Âu ở phương Tây. Sau thời kỳ trung cổ, có hai cuộc di dân lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại đã được xác lập.
Thứ nhất, đó là cuộc di dân của những người châu Âu, châu Á, châu Phi đến một châu lục mới, được tìm ra bởi nhà hàng hải Christopher Columbus và F.Magellan. Năm1492, một đoàn thám hiểm do C. Columbus chỉ huy đã tới được quần đảo miền trung châu Mỹ nhưng ông lại tưởng là đã tới được Ấn Độ, ông gọi những người thổ dân ở đây là Indians. Sau này, một nhà hàng hải người Italia là Amerigo Vespucci mới phát hiện ra Ấn Độ của C. Columbus không phải là Ấn Độ mà là một vùng đất hoàn toàn mới đối với người châu Âu. Amerigo đã viết một cuốn sách để chứng minh điều đó. Vùng đất mới đó sau này mang tên America hay còn gọi là châu Mỹ (Bắc Mỹ). Từ năm 1519 đến 1522, F. Magellan đã cầm đầu đoàn thám hiểm Tây Ban Nha gồm 5 con tàu với 265 người lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới, vượt Đại Tây Dương, tới bờ biển phía đông của châu Mỹ. Họ đi theo một eo biển hẹp gần cực nam của vùng đất mới và sang được đại dương mênh mông ở phía bên kia một cách thuận buồm xuôi gió và không gặp bất cứ một cơn bão đáng kể nào. Ông đặt tên cho đại dương mới đó là Thái Bình Dương và xác lập thêm vùng cực nam của châu Mỹ hay còn gọi là Nam Mỹ. Những người dân châu Âu, châu Á, châu Phi di cư sang châu Mỹ mang theo những thói quen, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học nghệ thuật… của dân tộc mình và sống đan xen với người của các dân tộc khác bao gồm cả thổ dân Indians. Sự tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa của các cộng đồng châu Mỹ để tạo ra sự đa dạng văn hóa là một điều tất yếu.
Thứ hai, đó là cuộc di dân của những người châu Âu đến một châu lục mới khác nằm ở cực nam của Đông Nam Á. Cuộc đổ bộ đầu tiên lên vùng đất này do nhà hàng hải người Hà Lan là Willem Janszoon vào năm 1606, sau đó tổng cộng có 29 nhà hàng hải người nước này tiếp tục khám phá. Chính vì vậy, châu lục này (chủ yếu là nước Australia hiện nay) có tên là Tân Hà Lan. Một thế kỷ rưỡi sau đó, người Anh bắt đầu đổ bộ lên châu lục này, tạo ra những xung đột văn hóa với chính người Hà Lan đến trước và những người thổ dân bản địa.Trải qua bốn thế kỷ tiếp xúc và giao lưu, văn hóa châu Đại dương mang đậm chuẩn mực của văn hóa Anh nhưng vẫn có nét khoáng đạt, nhân văn của những người thổ dân bản địa.
Ngoài các cuộc di dân lớn trong lịch sử nhân loại, hiện nay hoạt động di dân vẫn không ngừng diễn ra theo khuynh hướng đi từ vùng đất nghèo đói, có chiến tranh, nhiều bất ổn đến với các vùng đất thịnh vượng, hòa bình và ổn định. Bản thân trong mỗi quốc gia cũng diễn ra các cuộc di dân tự phát của người dân hoặc di dân chủ động theo định hướng của chính phủ.
Ở Việt Nam, hiện tượng tiếp xúc, giao lưu văn hóa sớm nhất cũng thông qua con đường di dân được xác định từ thời sơ sử. Trên vùng biên giới và lãnh thổ nước ta có ba nền văn hóa lớn, hoặc ba phức hệ văn hóa: phức hệ văn hóa Bàu Trám – Sa Huỳnh, phức hệ văn hóa Phùng Nguyên – Đông Sơn và phức hệ văn hóa Đồng Nai. Đây là ba đỉnh cao của văn hóa Đông Nam Á. Ba phức hệ văn hóa đó phát sinh từ nền tảng chung của văn hóa thời đại đá mới ở miền này với những tộc người Nam Á, Nam Đảo luôn có tiếp xúc và giao lưu văn hóa với nhau. Các phức hệ văn hóa này phát triển độc lập theo thế chân vạc ở miền Đông bán đảo Đông Dương, nhưng luôn có mối quan hệ di cư qua lại nhiều chiều với nhau, bổ sung, làm phong phú cho nhau, đồng thời phát triển, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác ở khu vực và phát triển thành ba nền văn minh lớn, ứng với ba quốc gia cổ: Văn Lang – Âu Lạc, Sa Huỳnh – Chămpa và Phù Nam. Ba phức hệ văn hóa đó đều thu nhận nhiều yếu tố ngoại sinh và bản địa hóa các yếu tố ấy để phát triển. Do vậy, những nền văn minh ấy đều sáng rực rỡ, lan tỏa ảnh hưởng ra toàn vùng Đông Nam Á (7, tr.140).
Quá trình di dân, đan xen các cộng đồng và tộc người trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam vẫn không ngừng diễn ra trong suốt quá trình lịch sử để tạo ra các vùng văn hóa: vùng Tây Bắc, vùng Việt Bắc, vùng châu thổ Bắc Bộ, vùng Trung Bộ, vùng Trường Sơn -Tây Nguyên, vùng Nam Bộ.Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhà nước chủ trương qui hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, kéo theo việc giải phóng mặt bằng xây dựng, di dân sang các vùng sinh sống mới, phát triển sản xuất theo mô hình nông nghiệp hiện đại, đô thị hóa nông thôn… Chính điều đó, một mặt cưỡng bức một bộ phận cư dân phải di chuyển sang vùng đất mới, buộc phải tiếp xúc và giao lưu với cộng đồng dân cư đang sinh sống ổn định; mặt khác, những chính sách mới của chính phủ cũng có những lợi thế nhằm thu hút một bộ phận dân cư từ các vùng đất khác tình nguyện di cư về vùng đất được qui hoạch để tham gia sản xuất và sinh nhai. Các yếu tố văn hóa vùng, miền gần như được xóa nhòa và thay vào đó là sự hỗn dung, pha tạp các loại sắc thái văn hóa.
Trong lịch sử văn minh nhân loại, nền văn minh nông nghiệp là nền văn minh kéo dài nhất được xây dựng trên cơ sở vì lẽ sinh tồn của con người. Hoạt động nông nghiệp thời kỳ đầu chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực và thực phẩm của các cộng đồng. Về sau, với sự nỗ lực trong trồng trọt và chăn nuôi, các sản phẩm nông nghiệp dư thừa của một vài nhóm người đã được tích trữ lại với mục đích cung cấp cho các vùng thiếu thốn trên cơ sở trao đổi hàng hóa. Hoạt động thương mại sơ khai ra đời từ đó rồi dần dần giữ vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội.
Những con đường thương mại tầm xa xuất hiện lần đầu tiên vào thiên niên kỷ thứ ba TCN, khi những người Sumerians ở nền văn minh Lưỡng Hà buôn bán với nền văn minh Harappan ở lưu vực sông Ấn. Những con đường thương mại cũng xuất hiện ở phía đông Địa Trung Hải vào khoảng thời kỳ này. Con đường tơ lụa giữa Trung Quốc và Syria ra đời vào thiên niên kỷ thứ hai TCN. Các thành phố Trung Á và Ba Tư là ngã ba đường của các con đường thương mại đó. Các nền văn minh Phoenician và Hy Lạp đã lập ra các đế quốc ở lưu vực Địa Trung Hải vào thế kỷ I TCN nhằm kiểm soát các con đường thương mại. Vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ nhất, người Ả Rập và người Do Thái thống trị các con đường thương mại ở Ấn Độ Dương, Đông Á, Sahara, Địa Trung Hải và chỉ nhường ngôi này cho người Italia vào đầu thiên niên kỷ thứ hai.
Trong các con đường thương mại nói trên, con đường dài nhất, tồn tại lâu bền và nổi tiếng nhất là con đường tơ lụa. Đây là con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùngTây Á kỳ bí.
Người Trung Hoa từ thời cổ đại đã dành thế chủ động trong việc di chuyển qua Tây Á và sang tận phương Tây để cung cấp vải lụa, gấm vóc, sa nhiễu. Mặt khác, các nhà buôn lớn của các quốc gia ở phương Tây cũng mang tiền, vàng đến Trung Hoa để trao đổi, mua bán hàng hóa kiếm lời. Sau thế kỷ XV, do nhu cầu mở rộng thị trường, người phương Tây đã dành thế chủ động khi tìm ra con đường thông thương trên biển sau các cuộc phát kiến địa lý.Nam Á, đặc biệt Ấn Độ là thị trường giàu có những mặt hàng đặc sản, cao cấp như tiêu, quế, trầm hương, lụa tơ tằm, ngà voi… cung cấp cho các nhà buôn phương Tây. Hoạt động thương mại tự do này đã giúp hàng hóa được trao đổi và mua bán để làm phong phú sản phẩm tiêu dùng, vượt ra khỏi thói quen sinh hoạt của cộng đồng phương Tây và phương Đông.
Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những“thương nhân lạc đà”, con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn, là cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây. Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ, người ta tìm thấy khá nhiều biểu hiện văn hóa ngoại sinh đã xuất hiện và tồn tại ở các quốc gia có nền thương mại phát triển. Khi một cộng đồng mở cửa bang giao, sẵn sàng mua các sản phẩm văn hóa vật chất tiến bộ của một nền văn hóa khác thì cũng có nghĩa là họ phải học hỏi các phương thức và thói quen sử dụng sản phẩm đó trong đời sống sinh hoạt của mình. Hơn thế, trong quá trình xúc tiến thương mại, các sản phẩm văn hóa tinh thần bên ngoài (ngoại sinh) có cơ hội len lỏi vào cộng đồng bản địa. Đầu tiên, có thể chỉ là những tiếng rao hát, hành vi ứng xử, ngôn ngữ giao tiếp, nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo… của các thương nhân nhằm tạo sự mới lạ, hấp dẫn trí tưởng tượng đối với người dân bản xứ. Lâu dần, những biểu hiện đó trở nên gần gũi và trở thành một phần trong đời sống văn hóa nội sinh.
Là một dân tộc có văn hóa nội sinh mạnh mẽ xuất phát từ cơ tầng văn hóa Đông Nam Á bản địa nhưng Việt Nam vẫn có những tiếp xúc và giao lưu văn hóa với Ấn Độ ngay từ những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Tăng sĩ Ấn Độ đã lên tàu buôn cùng với các thương nhân sang Việt Nam bằng đường biển. Có thể kể tên một số tăng sĩ Ấn Độ và Trung Á như Ma-ha-kỳ-vực (Marajavaka), Khưu-đà-la (K’sudara) đến Việt Nam vào cuối thế kỷ II; sau đó là Tăng Khương Hội, Chi Lương Cương vào khoảng giữa thế kỷ III. Thời kỳ này, Luy Lâu – Thuận Thành – Bắc Ninh trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học phồn thịnh, tương đương với trung tâm Lạc Dương của Đông Hán và Bình Thành của nước Sở. Trong suốt nhiều thế kỷ sau đó, do nằm ở cửa ngõ Đông Nam Á và thuận lợi thông thương đường biển, Việt Nam đã có nhiều thương cảng sầm uất như Vân Đồn, Hội An, Phố Hiến, nơi diễn ra các cuộc tiếp xúc và giao lưu buôn bán với nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Chiêm Thành, Java, Xiêm La, Indonesia, Nhật Bản… Bằng chứng sinh động cho hoạt động tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18 chính là phổ cổ Hội An. Đây là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An đã từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, thu hút nhiều tầu buôn nước ngoài đến giao thương, mua, bán hàng hóa. Hội An là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang nhiều dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Nhật, Pháp. Bên cạnh những giá trị vật thể đó, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 (4.12.1999), UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí. Thứ nhất, Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Thứ hai, Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Có thể thấy, bằng chứng về hoạt động tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa thông qua con đường thương mại vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị cổ và thương cảng trên khắp thế giới và Việt Nam.
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều trận chiến không những ác liệt mà còn làm thay đổi số phận của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có cuộc chiến mở ra niềm hy vọng tự do, độc lập nhưng cũng có những cuộc chiến bắt đầu cho một thời kỳ đen tối, điêu tàn.
Cuộc chiến tranh lớn nhất và rộng nhất thời kỳ cổ đại phải kể đến là cuộc chiến do Alexandros III của Macedonia (Alexandros đại đế) – một chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử – khởi xướng. Cuối thế kỷ IV TCN, Alexandros Macedonia chinh phục phương Đông đến tận miền Tây Bắc Ấn Độ. Sự việc này đã để lại một hậu quả khách quan là thúc đẩy sự giao lưu về kinh tế, văn hóa giữa hai khu vực. Sau khi đế quốc Macedonia tan rã, trên đất đai mà Alexandros chinh phục được ở Tây Á và Đông Bắc châu Phi đã hình thành các quốc gia như Ai Cập của vương triều Ptôlêmê, Xini của vương triều Xêlơcut, Pecsgammum, Bắc tơria mà lịch sử gọi là những nước Hi Lạp hóa (giai đoạn lịch sử từ khi Alexandros bắt đầu chinh phục phương Đông – năm 334TCN – đến khi Ai Cập bị biến thành một tỉnh của La Mã – năm 30 TCN – gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa) [5; tr.314]. Trong thời kỳ này, quan hệ buôn bán giữa phương Đông với phương Tây được đẩy mạnh, các thành thị phát triển, tri thức được phổ biến lan tỏa từ Tây sang Đông. Ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp đối với phương Đông còn thể hiện rõ rệt ở mặt nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Thậm chí, ở các nước Ấn Độ xa xôi, các tượng Phật được tạo nên trong thời kỳ muộn hơn cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt của nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp. Ngược lại, phương Tây đã tiếp thu nhiều kiến thức về toán học và thiên văn học của phương Đông, đặc biệt là phép làm lịch.
Cuộc chiến lớn thứ hai ở phương Tây nhưng là cuộc chiến lớn nhất thời Trung đại là cuộc viễn chinh của Thập tự quân hay phong trào Thập tự chinh. Do sự hô hào của giáo hoàng La Mã, từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII, các đoàn kị sĩ một số nước TâyÂu, với hình cây thánh giá khâu trên áo, đã tiến hành 8 cuộc viễn chinh sang phương Đông. Những cuộc chiến tranh này đã đem lại rất nhiều thảm họa cho cư dân đông Địa Trung Hải nhưng cũng góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc văn minh giữa hai bộ phận quan trọng của thế giới lúc bấy giờ. Vào thời kỳ này, do sự suy thoái về văn hóa, phương Tây lạc hậu hơn phương Đông rất nhiều. Qua phong trào viễn chinh, người Tây Âu đã học tập một số nghề mới như làm giấy, làm thủy tinh, làm thuốc súng, kỹ thuật tiên tiến trong nghề dệt, nghề luyện kim; học tập được cách trồng một số giống cây mới như lúa, kiều mạch, chanh, dưa hấu v.v…Việc truyền bá các thứ đó sang phương Tây, một phần là do người Ảrập truyền qua Tây Ban Nha, một phần do quân Thập tự trực tiếp học kinh nghiệm và đưa trực tiếp từ phương Đông về. Ngoài ra, qua tiếp xúc với phương Đông, giai cấp phong kiến Tây Âu đã học tập được nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống hàng ngày như các nghi thức ở cung đình, những cử chỉ tao nhã, cách giao tiếp lịch sự, cách để tóc, để râu, cách tắm rửa v.v…Do vậy, đời sống văn hóa trong xã hội Tây Âu đã có một bước tiến rõ rệt(5,tr.117).
Một cuộc chiến có qui mô cực lớn và trải dài từ Đông sang Tây là cuộc chiến được thực hiện bởi Đế quốc Mông Cổ. Đế quốc này xuất hiện khi các bộ lạc Mông Cổ và Đột Quyết thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn năm 1206. Dưới sự lãnh đạo của ông, đế quốc này đã tiến hành các cuộc xâm lược theo mọi hướng, thôn tính liên lục địa rộng lớn, kết nối phương Đông và phương Tây, thực thi hòa bình kiểu Mông Cổ, cho phép mậu dịch, công nghệ, hàng hóa và phổ biến tri thức. Tuy nhiên, do lúc này, chế độ phong kiến ở phương Đông đã định hình và phương Tây đang rơi vào tình trạng bất ổn vì các cuộc thập tự chinh nên tầm ảnh hưởng về văn hóa của đế quốc Nguyên Mông chỉ mang tính chất tức thời, không ăn sâu, bám rễ trong đời sống văn hóa của các quốc gia bị Nguyên Mông thôn tính.
Có lẽ, những cuộc chiến tạo ra sự tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ giữa các quốc gia/ dân tộc còn nhiều dấu ấn đến ngày nay chính là các cuộc chiến nhằm thôn tính thuộc địa. Sau các cuộc phát kiến địa lý, các cuộc cách mạng công nghiệp, các cuộc cách mạng tư sản, một số nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hà Lan nổi lên như các đế quốc siêu cường, những kẻ chinh phục mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Trong một loạt các cuộc chiến diễn ra vào thế kỷ XVII và XVIII, Anh quốc nổi lên là siêu cường đầu tiên và mạnh nhất của thế giới. Nó là một đế quốc trải rộng khắp quả đất, có lúc đã kiểm soát gần một phần tư bề mặt lục địa thế giới, trên đó “mặt trời không bao giờ lặn”. Ngay sau khi xâm chiếm châu Mỹ, người châu Âu đã dùng phường thức truyền giáo, đồng thời sử dụng các tiến bộ kỹ thuật để chinh phục các dân tộc ở châu Á, châu Phi. Đầu thế kỷ XIX, người Anh chiếm quyền kiểm soát tiểu lục địa Ấn Độ, Ai Cập, Malaysia, Australia, New Zealand và Nam Phi; người Pháp chiếm Đông Dương; người Hà Lan chiếm Đông Ấn. Vào cuối thế kỷ XIX, những vùng cuối cùng ở châu Phi còn chưa bị xâm chiếm được các nước châu Âu đem ra chia chác với nhau. Sau khoảng một thế kỷ bị thôn tính, các nước thuộc địa tuy đã bị khai thác kiệt quệ về tài nguyên và nhân lực nhưng lịch sử ghi nhận rằng, hầu hết các nước này đã có sự thay đổi lớn về diện mạo kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Cuộc tiếp xúc văn minh phương Tây thời kỳ cận đại đã làm thay đổi về chất nền văn hóa của nhiều nước. Lúc này, các nước thuộc địa bị cưỡng chế tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa với người phương Tây. Họ phải trực tiếp xử lý mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh với các yếu tố ngoại sinh, kết quả có thể diễn ra theo hai trạng thái: một là, yếu tố ngoại sinh lấn át triệt tiêu yếu tố nội sinh và hai là, yếu tố ngoại sinh dần dần trở thành yếu tố nội sinh. Nhìn ở thái độ của tộc người chủ thể, sự tiếp nhận yếu tố ngoại sinh cũng có hai dạng: một là tự nguyện; hai là, bị cưỡng bức có nghĩa là bị áp đặt văn hóa. Và Việt Nam là một ví dụ.
Sau năm 1885, Pháp đã đặt xong bộ máy cai trị ở Việt Nam và thực thi một chính sách văn hóa nhằm củng cố địa vị thống trị của chúng ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Văn hóa Việt Nam giai đoạn này có hai đặc trưng lớn: một là, tiếp xúc, cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt – Pháp; hai là, giao lưu văn hóa tự nhiên – Việt Nam với các nước Đông, Tây. Nhìn chung, văn hóa Việt nam có sự thay đổi rõ rệt về văn hóa vật chất (đô thị, giao thông, kiến trúc, trang phục) và văn hóa tinh thần (chữ viết, hội họa, âm nhạc, văn chương, báo chí). Nhìn vào diễn trình văn hóa Việt Nam, đây là giai đoạn tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ nhất trong lịch sử dân tộc.